Thống kê cho thấy các dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản đang có tỉ lệ gia tăng ở Việt Nam. Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng các chất dịch trong dạ dày như HCL, pepsin, dịch mật…trào ngược từng lúc hay thường xuyên lên thực quản. Các chất dịch này kích thích niêm mạc thực quản gây ra các triệu chứng biến chứng của bệnh. Bệnh ngày càng trở lên phổ biến tuy nhiên việc nhận biết bệnh tương đối khó do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Những dấu hiệu của bệnh trào ngược thực quản dạ dày |
Các dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Đau ngực, ợ hơi, ợ chua, giọng khàn, ho, hen… chính là các dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay mắc phải.Đôi khi bạn mắc phải những dấu hiệu ấy nhưng do chủ quan hay lầm tưởng mà không biết mắc bệnh điều đó rất nguy hiểm cho sức khỏe cũng như làm bệnh nặng thêm do để quá lâu ngày. Chính vì thế bạn cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh để có những phương án chữa trị kịp thời.
1. Đau ngực
Hiện tượng đau, tức lồng ngực thường xảy ra do axit dạ dày trào sang thực quản. Đây là một trong những triệu chứng cơ bản nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, cơn đau có thể kéo dài lâu hơn và mạnh hơn tưởng tượng. Bởi vậy, một số người thường lầm tưởng ợ nóng với bệnh đau tim.
2. Ợ nóng nhiều hơn khi nằm nghỉ
Axit trong dạ dày trào lên thực quản nhiều hơn khi chúng ta nằm hoặc cúi người, từ đó gây ra chứng ợ nóng. Theo TS Walter J. Coyle, chuyên gia về dạ dày – ruột tại Torrey Pines Clinic (California, Mỹ): “Khi đứng thẳng, trọng lực giúp giữ thức ăn nằm yên trong dạ dày. Khi trọng lực giảm, hiện tượng trào ngược dễ xảy ra hơn”. Đó là lý do tại sao những người bị ợ nóng mạn tính thường phải kê cao đầu khi nằm ngủ và không nên ăn nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ.
3. Đau do ợ nóng sau khi ăn
Hiện tượng đau ngay sau khi ăn, đặc biệt là sau khi ăn nhiều, thường do dạ dày bị quá tải, không còn chỗ chứa, khiến dịch vị và thức ăn bị trào ngược lên. Theo TS Coyle, tốt nhất là không ăn quá nhiều, tránh ăn các loại thực phẩm giàu chất béo, hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá và không nên ngồi ngả người ra phía sau khi ăn xong.
4. Đắng miệng
Trong một số trường hợp, acid dạ dày có thể trào ngược lên tới cuống họng, tạo ra vị đắng trong miệng, thậm chí có thể gây ngạt. Nếu có hiện tượng này, nhất là vào buổi đêm, nên tới gặp bác sĩ. Theo TS Coyle, một số loại thuốc ức chế enzym dạ dày và giảm độ axit trong dạ dày rất có hiệu quả trong trường hợp này.
5. Khàn giọng, đau họng, ho, hen
Theo TS Pfanner, chuyên gia dạ dày – ruột tại Texas (Mỹ), axit dạ dày trào lên thực quản sẽ làm tấy dây thanh. Khác với khi bị cảm lạnh, đau họng hoặc ho do axit dạ dày trào ngược có thể trở nên mạn tính, lâu ngày có thể chuyển biến thành bệnh hen. Nên thận trọng khi bị khàn giọng hoặc đau họng, nhất là khi hiện tượng xuất hiện sau khi ăn hoặc không đi kèm với các triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi. Đây rất có thể là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày thực quản.
6. Buồn nôn
Có nhiều tác nhân gây ra tình trạng buồn nôn nên rất khó để có thể khẳng định đây là một thuộc tính của chứng trào ngược acid dạ dày. Tuy nhiên, theo TS Coyle: “Với một số bệnh nhân, triệu chứng duy nhất của chứng trào ngược axit dạ dày mà họ mắc phải là buồn nôn. Nếu cảm thấy nôn nao mà không hiểu tại sao, đó có thể là do hiện tượng trào ngược”. Nếu tình trạng này diễn ra ngay sau khi ăn, khả năng bị trào ngược axit dạ dày là khá lớn. Trong trường hợp này, những loại thuốc làm giảm độ axit trong dạ dày sẽ giúp làm giảm cảm giác khó chịu.
7. Nhiều nước bọt
Theo TS Coyle, lượng nước bọt tiết ra trong miệng nhiều hơn cũng là một triệu chứng đáng chú ý của chứng trào ngược axit dạ dày. Thực chất, đây là một dạng khác của chứng ợ nóng. Khi gặp phải triệu chứng này, người bệnh sẽ có trạng thái thần kinh và phản xạ tương tự như khi bị nôn.
8. Khó nuốt
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản lặp lại nhiều lần, theo thời gian, sẽ gây ra tổn hại nhất định cho thực quản. Theo TS Pfanner, axit bị trào ngược có thể làm sưng tấy mô thực quản dưới, từ đó làm hẹp thực quản và gây ra tình trạng khó nuốt.
Trào ngược dạ dày thực quản còn là một trong các dấu hiệu của bệnh đau dạ dày. Xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tác động quá mức do vi khuẩn, stress, …, dẫn đến sự tăng tiết acid dịch vị gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày, đau vùng thượng vị, nóng rát, ợ chua, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa, …
Các biện pháp chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường được chẩn đoán qua việc hỏi tiểu sử bệnh. Thông thường khi phát hiện có từ 3 – 5 triệu chứng ở trên, đặc biệt là triệu chứng ợ nóng, bệnh nhân có thể nghĩ ngay đến bệnh trào ngược dạ dày. Người bệnh cũng có thể nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản bằng việc thăm dò cận lâm sàng:
- Nội soi dạ dày thực quản có thể giúp phát hiện ra các vết tổn thương viêm loét ở dạ dày và thực quản. Nội soi cũng là phương pháp hiệu quả nhất giúp phát hiện mức độ bệnh, biến chứng của thực quản như viêm loét, chảy máu, hẹp thực quản hoặc Barrett thực quản.
- Đo áp lực của cơ thắt thực quản dưới cũng là một phương pháp phát hiện bệnh, tuy nhiên phương pháp này không được hiệu quả cao do thay đổi áp lực với khẩu kính ống đo, với cử động hô hấp…
- Bệnh còn được xác định bằng phương pháp đo pH thực quản, phương pháp này cũng khá tin cậy tuy nhiên nhược điểm của nó là không phát hiện được các vị trí viêm, loét của dạ dày và thực quản.
0 nhận xét: Chia sẻ thông tin cùng Blog ▼
Chia sẻ thông tin:
Cùng chia sẻ thông tin với blog. Mỗi chia sẻ của bạn là một thông tin hữu ích tới mọi người. "Cùng học hỏi cùng chia sẻ" mọi người nhé.
Đăng nhận xét